Tiềm năng du lịch huyện Lục Ngạn

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết

Lục Ngạn được thiên nhiên ban tặng là một vùng khí hậu ôn hòa, mát mẻ, để rồi hôm nay nơi đây đã trở thành một vùng cây ăn quả trù phú và những sản vật nổi tiếng của cả nước như: vải thiều, mỳ Chũ, rượu Kiên Thành. Trong đó thương hiệu Vải thiều thơm ngon, bổ dưỡng đã và đang chắp cánh cho huyện Lục Ngạn nổi tiếng khắp trong và ngoài nước. Không chỉ có vậy, nơi đây còn có nhiều quần thể di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, tạo nên một tiềm năng du lịch hấp dẫn đang mời gọi du khách gần xa đến với vùng quê Lục Ngạn. Mỗi khi nhắc đến Lục Ngạn, người ta nghĩ đến vùng đất này không chỉ là vùng đất đã viết nên bao huyền thoại, với những địa danh đã đi vào lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, những thắng cảnh nguyên sơ, thơ mộng du khách còn biết đến Lục Ngạn như là kinh đô của quả vải thiều vang danh khắp chốn gần xa.

          Nếu như hơn 20 năm trước, ở Lục Ngạn là một vùng đất đồi cằn đá sỏi, hoang sơ thì giờ đây với bàn tay, khối óc của người Lục Ngạn đã biến vùng đất này thành những miệt vườn trù phú với cây vải thiều. Những khu vườn đồi trồng vải vươn dài, trải rộng từ vùng thấp đến vùng cao đã và đang tạo ra cho Lục Ngạn một môi trường sinh thái trong lành mát mẻ, một khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp với màu xanh ngút ngàn tầm mắt. Nếu những ai đã từng đến Lục Ngạn vào mùa xuân, khi cả vùng đồi Lục Ngạn khoác trên mình tấm áo trắng tinh khôi của hoa vải sẽ thấy lòng mình thư thái đến lạ thường, hương thơm từ mật hoa đã mời gọi hàng chục nghìn đàn ong về làm mật. Khi cả vùng Lục Ngạn được tô điểm lên màu đỏ rực của vải thiều chín, những vườn vải thiều chín lúc lỉu, rung rinh dưới nắng hè càng tô điểm cho bức tranh thiên nhiên thêm phần sống động. Hương vị ngọt ngào của quả vải cùng với tình người đất vải đang là điểm nhấn mời gọi du khách gần xa về với vùng quê nơi đây. Du khách đến với Lục Ngạn vào dịp này sẽ thỏa sức đi thăm các vườn vải thiều chín, được tận tay ngắt những trái vải chín mọng trên cây để mềm môi thưởng thức mà cảm nhận được duyên đất và tình người được chắt chiu trong đó. Loại hình du lịch thăm vườn vải thiều, kết hợp với các dịch vụ nhà vườn sinh thái đang được khảo sát và sẽ được khai thác trong thời gian tới đây. Với diện tích trồng vải trên 15 nghìn ha, trong đó diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap là 11.000 ha. Có 18 mã vùng được Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cấp cho 400 hộ sản xuất vải thiều để xuất khẩu vào thị trường này. Năm 2005, vải thiều Lục Ngạn được Cục sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể; năm 2008 được Cục sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm vải thiều Lục Ngạn và quả vải thiều Lục Ngạn đã được đăng ký bảo hộ thương hiệu chỉ dẫn địa lý tại 7 quốc gia, được xuất khẩu vào thị trường các nước như Mỹ, Úc, Malayxia, Hàn Quốc, Singgapo, Nhật, Trung Quốc, Anh, Pháp... Sản lượng vải thiều hàng năm đạt trên dưới 100 nghìn tấn quả tươi, doanh thu ước đạt từ 1,5 đến 2 nghìn tỷ đồng.

Không chỉ có vải thiều, du khách đến Lục Ngạn còn được thưởng thức nhiều loại trái cây khác như: táo Đài Loan, cam ngọt, cam lòng vàng, bưởi ngọt, bưởi da xanh… Với hơn 5.000 ha, đến nay cây cam, bưởi và các loại cây có múi trên địa bàn huyện lục ngạn đã khẳng định được chất lượng thương hiệu ban đầu của mình. Năm 2017, sản lượng cây có múi trên địa bàn huyện ước đạt khoảng 40 nghìn tấn. Con số này cho thấy việc phát triển cây có múi đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Do đó cùng với chính sách phát triển phù hợp của tỉnh, huyện trong xây dựng thương hiệu nông sản, nông dân Lục Ngạn cũng đang từng bước ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, quản lý tốt dịch bệnh, sử dụng phù hợp thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học… để hướng đến việc đưa Lục Ngạn thành vùng trái cây an toàn, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đặc biệt huyện Lục Ngạn đã tổ chức thành công “Ngày hội trái cây”. Đây là sự kiện quan trọng nhằm tôn vinh các loại trái cây đặc sản và các sản phẩm đặc trưng của huyện Lục Ngạn nói riêng và Bắc Giang nói chung. Năm 2016, Ngày hội trái cây Lục Ngạn lần thứ nhất, riêng ngày khai mạc đã có 35.000 lượt khách, sau đó đón hơn 10.000 lượt khách đến Lục Ngạn. Thị trường phía Nam cũng đã biết đến trái cây Lục Ngạn và lần đầu tiên đã có xe container chở cam, bưởi Lục Ngạn vào phía Nam. Ngày hội trái cây Lục Ngạn lần thứ hai năm 2017 có 100 gian hàng trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm của tỉnh Bắc Giang, trong đó Lục Ngạn có 60 gian hàng với trái cây, mỳ gạo, rượu, giấm, mật ong,… Du khách đến ngày hội được tham quan vùng trồng cây ăn quả Lục Ngạn, tham dự các trò chơi dân gian, tham gia các hội thảo khoa học kết nối trái cây với kênh phân phối… Tại Ngày hội đã có trên 50.000 lượt khách đến tham quan và mua sắm.

Đến với Lục Ngạn, ngoài việc thăm quan các miệt vườn trái chín, du khách sẽ không quên một lần đến thăm làng nghề truyền thống nơi bên kia dòng sông Lục hiền hòa và nếm thử hương vị dẻo dai, béo ngậy của đặc sản mỳ Chũ. Sợi mỳ mềm, dẻo, dai, có màu trắng ngà rất được du khách trong và ngoài nước tin dùng, bên cạnh đó Lục Ngạn còn nổi tiếng với sản phẩm mật ong hoa vải có chất lượng cao, tăng cường sức khỏe, làm thuốc chữa bệnh...

Đến Lục Ngạn, du khách sẽ được đắm mình trong không gian mênh mông sơn thủy hữu tình của hồ Khuôn Thần và hồ Cấm Sơn. Đây là 2 địa danh nổi tiếng về du lịch sinh thái hấp dẫn và thu hút đông khách đến thăm nhất của huyện Lục Ngạn nói riêng và của Bắc Giang nói chung. Du khách đến nơi đây sẽ được tắm mình trong cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, được chèo thuyền câu cá, kết hợp với nghỉ dưỡng và đi bộ leo núi… So với hồ Khuôn Thần thì thồ Cấm Sơn có diện tích lớn hơn, hồ có diện tích mặt nước là 2.650ha, dài khoảng 26 km, chiều ngang nơi rộng nhất khoảng 7km, mặt nước trong xanh phẳng lặng, đan xen giữa mặt hồ là các đảo nổi nhấp nhô, xung quanh mặt hồ là những dãy núi cao và làng xóm bao bọc trùng điệp. Tại đây, du khách sẽ được cảm nhận bầu không khí trong lành mát mẻ, được hòa nhập với thiên nhiên tuyệt diệu, phong cảnh hữu tình, trên mây dưới hồ nước, được mệnh danh là vịnh Hạ Long trên núi. Hồ Cấm Sơn và hồ Khuôn Thần là hai dự án nằm trong tổng số 8 dự án được tỉnh Bắc Giang kêu gọi đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2016- 2020. Đặc biệt mới đây tập đoàn FLC đang khảo sát và dự kiến đầu tư dự án khu du lịch tại hồ Khuôn Thần, xã Kiên Lao với quy mô 492ha, vốn đầu tư gần 9.000 tỷ đồng. Hiện dự án đã lập xong quy hoạch. 

Đến với Lục Ngạn du khách không chỉ được thưởng thức những sản vật nổi tiếng của địa phương, được du ngoạn trên hồ Khuôn Thần và hồ Cấm Sơn mà còn được tham quan các di tích lịch sử văn hoá đã có từ lâu đời như: đền Từ Hả, xã Hồng Giang; đền Khánh Vân, thị trấn Chũ, đền Cầu Từ, xã Phượng Sơn và khu di tích lịch sử văn hóa chùa Am Vãi (hay còn gọi là Am Ni Tự) tọa lạc trên đỉnh ngọn núi Am Ni (núi Quan âm) thuộc xã Nam Dương, chùa nằm trên sườn núi cao hơn so với mực nước biển 700m thuộc vòng cung Yên Tử.

Chùa Am Vãi có tên gọi khác là Am Ni tự, tọa lạc ở vị trí được coi là nơi hội tụ của đất trời và nằm trong quần thể di tích trên vòng cung Đông Triều, gồm có các chùa: Yên Phụ - Yên Tử - Am Vãi. Am Vãi là ngôi chùa thuộc thời Lý - Trần, là nơi công chúa nhà Trần tự danh là “Mục Sơn Xuyên” tu hành. Trong quần thể di tích có chứa đựng những huyền tích như: “Hang tiền”, “Hang gạo”, “Bàn cờ tiên”, “Dấu chân phật”… phản ánh đa dạng đời sống tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân địa phương. Với giá trị về bề dày lịch sử, văn hóa, năm 2003, chùa Am Vãi đã được UBND tỉnh Bắc Giang công nhận xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa; năm 2017 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định xếp hạng quần thể di tích lịch sử cấp Quốc gia. Lễ hội truyền thống chùa Am Vãi diễn ra trong hai ngày, (ngày 2 và 3 tháng 3 âm lịch) thu hút nhiều du khách thập phương. Từ trên cao nhìn xuống thung lũng trải một màu xanh mượt, đan xen là sông uốn khúc như dải lụa bạc. Cảnh sơn thủy hữu tình lại có thêm ngôi chùa cổ càng làm tăng thêm vẻ đẹp của vùng đất nơi đây.

Có thể nói, Lục Ngạn là miền đất cổ có từ lâu đời, giàu truyền thống lịch sử văn hóa, trải qua sự thăng trầm của lịch sử, đến nay Lục Ngạn vẫn còn lưu giữ được nhiều những di tích lịch sử có giá trị văn hóa như thành nhà Mạc tại xã Phượng Sơn, nơi đây là địa điểm phòng tuyến chống quân Nguyên- Mông của Trần Hưng đạo. Vùng đất Lục Ngạn cũng là nơi sinh ra những bậc hào kiệt anh hùng như tướng quân Thân Cảnh Phúc, theo truyền thuyết ông là Phò Mã của vương triều nhà Lý là người văn võ song toàn, có công đánh đuổi giặc Tống vào thế kỷ XII, Quân Tống khiếp sợ ông và phong ông là Thiên Thần Động Giáp.

Trên mảnh đất linh thiêng khu vực Đền Hả, xã Hồng Giang vào những năm 70 của thế kỷ XI, dưới thời nhà Lý, Thượng tướng quân Vũ Thành (tức Thân Cảnh Phúc) với tài thao lược chỉ huy một đạo quân cùng với nhân dân đánh giặc Tống xâm lược, lập lên những chiến công vang dậy. Để ghi nhớ công lao và đức độ của ông nhân dân đã lập đền thờ với tên gọi là Đền Hả và tôn thờ ông là Đương Cảnh Thành Hoàng. Với chiều dài lịch sử có từ lâu đời, quần thể di tích Đền Hả xã Hồng Giang cổ kính linh thiêng là nơi hội tụ sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân. Hàng năm cứ đến ngày mùng 6 tháng Giêng, chính quyền địa phương lại tổ chức lễ hội để diễn lại các trận đánh quân xâm lượng Tống và tưởng nhớ người Anh hùng đã hy sinh vì non sông đất nước; nhắc nhở con cháu lòng biết ơn, nối tiếp truyền thống cha ông. Năm 1991, đền Hả được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Nhằm tăng cường quản lý, mở rộng quy mô, nâng tầm giá trị của di tích cấp Quốc gia, từ năm 2017, Lễ hội Đền Hả được tổ chức với quy mô cấp huyện, bảo đảm trang nghiêm về nghi lễ; đa dạng, đặc sắc, hấp dẫn, mang đậm nét đặc trưng.

Đền Khánh Vân nằm trong quần thể di tích đền- chùa Khánh Vân thị trấn Chũ, thờ Tướng quân Vi Hùng Thắng- vị tướng đời Trần đã có công lớn trong đánh giặc Nguyên mông vào thế kỷ XIII. Năm 2006, đền được UBND tỉnh Bắc Giang công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Những năm qua, lễ hội được mở rộng, tổ chức thường niên thu hút đông đảo du khách thập phương. Lễ hội hàng năm được UBND thị trấn Chũ tổ chức với nhiều nội dung phong phú đặc sắc, trong đó có lễ dâng hương, tế lễ cầu an, lễ rước kiệu Tướng quân Vi Hùng Thắng. Tại phần hội, tổ chức thi bày mâm lễ dâng hương đẹp giữa các khu phố, thi đấu thể thao và trò chơi dân gian nhằm ôn lại truyền thống đánh giặc, tinh thần thượng võ, đồng thời tưởng nhớ đến người Anh hùng đã có công với quê hương, đất nước.

Lục Ngạn cũng là nơi sinh sống của đông đồng bào dân tộc anh em như: Kinh, Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chí, Cao Lan, Dao và dân tộc Hoa… bởi vậy, nơi đây còn lưu giữ được những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể mang đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Du khách lên Lục Ngạn và đi chợ hội vùng cao, sẽ được nghe câu sloong hao chợ Cầu Trắng xã Phong Vân, chợ Thác Lười xã Tân Sơn, nghe câu Soọng cô của dân tộc Sán Dìu, điệu then tình tứ của người Tày và tiếng Khèn gọi bạn của người Dao, Na Lang hay điệu Sình ca của dân tộc Cao Lan, xã Đèo Gia… Đặc biệt  những nét văn hóa ấy được hội tụ trong Ngày hội Văn hóa -Thể thao các dân tộc Lục Ngạn được tổ chức hàng năm vào ngày 18, tháng 2 âm lịch đã trở thành bản sắc văn hóa của vùng đất và con người Lục Ngạn. Đặc biệt dân ca Sán Chí xã Kiên Lao và dân ca Cao Lan xã Đèo Gia được Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Nhằm tìm giải pháp kết nối đưa khách du lịch đến Lục Ngạn, nhất là trong mùa thu hoạch vải thiều, giữa tháng 6 năm 2018, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịchtỉnh Bắc Giang tổ chức đoàn khảo sát thực tế tại một số điểm du lịch gắn với mùa vải thiều tại huyện Lục Ngạn. Nội dung này được các đại biểu thảo luận sôi nổi trong chương trình tọa đàm “Phát triển tour du lịch mùa vải thiều huyện Lục Ngạn”. Hầu hết các ý kiến cho rằng, Lục Ngạn có nhiều tiềm năng, thế mạnh cho phát triển du lịch vườn đồi, nhất là mùa vải thiều chín song cần có sự đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông và quy hoạch khu vực riêng dành cho phát triển du lịch với chỉ dẫn địa lý, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Cùng đó hỗ trợ, tập huấn cho nhân dân kỹ năng đón tiếp khách và ký các thỏa thuận với người trồng vải để bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. 

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) Nguyễn Đạo Dũng: Các Doanh nghiệp lữ hành hoàn toàn có thể đưa khách về Lục Ngạn trong mùa vải chín. Tuy nhiên mùa vải chỉ diễn ra hơn một tháng trong khi đó địa phương có nhiều loại cây ăn quả khác. Vì thế tỉnh và huyện nên nghiên cứu kết hợp với các mùa vụ khác để đón du khách được quanh năm thay vì chỉ vào mùa vải chín. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần thường xuyên cung cấp thông tin cho các Doanh nghiệp lữ hành để chủ động giới thiệu, chào bán sản phẩm với du khách. Đồng quan điểm, bà Đặng Bích Thọ, Công ty Hà Nội Redtour JSC đánh giá: Không chỉ riêng vải thiều, Lục Ngạn còn nhiều cơ hội phát triển. Hình thức này đã được nhiều tỉnh, thành phố xây dựng thành công, Bắc Giang có thể tham khảo kinh nghiệm từ đó. Bà Thọ cũng cho rằng, để phát huy hiệu quả cao của tour du lịch cần khắc phục các hạn chế từ cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông tại Lục Ngạn bởi vào mùa vải thiều chín thường xuyên xảy ra ùn tắc. 

Ông Dương Văn Sáu, Trưởng Khoa Văn hóa Du lịch (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) đánh giá cao ý tưởng xây dựng tour du lịch mùa vải thiều song để giữ chân du khách, Bắc Giang cần có các điều kiện cần thiết về hạ tầng và hệ thống dịch vụ. 

Theo đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, với quan điểm phát triển du lịch bền vững, hạn chế thấp nhất tác động xấu của du lịch đến môi trường, Sở sẽ chủ động thông tin, kết nối với các Doanh nghiệp lữ hành xây dựng tour du lịch đến vùng vải thiều, trong đó du khách có thể vào vườn trải nghiệm giúp nhân dân thu hoạch vải hoặc trả một phần chi phí để được thưởng thức vải cũng như trực tiếp mua sản phẩm tại đây. Để xây dựng thành công tour du lịch này rất cần sự hỗ trợ, kết nối từ các Doanh nghiệp lữ hành, sự vào cuộc tích cực từ chính quyền địa phương và nhân dân.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương, Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh nhấn mạnh: Bắc Giang nói chung, huyện Lục Ngạn nói riêng đang hướng tới mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai, trong đó tập trung vào các sản phẩm du lịch tiêu biểu như: Văn hóa, tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng. 

Nắm bắt tâm lý của nhiều du khách muốn trực tiếp trải nghiệm vùng cây ăn quả tại vùng đồi Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đang xúc tiến hình thành tour du lịch vườn đồi, qua đây vừa quảng bá cây ăn quả Bắc Giang để tiêu thụ sản phẩm thuận lợi, đồng thời cũng là hướng đi mới cho du lịch của tỉnh, hy vọng nhân dân và du khách sẽ hào hứng đón nhận. Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao cơ quan chuyên môn, huyện Lục Ngạn nghiên cứu đề xuất quy hoạch vùng cây ăn quả phục vụ du lịch, đồng thời quan tâm giữ gìn cảnh quan môi trường, nâng cấp hệ thống giao thông, dịch vụ đồng bộ hơn. Nhân dịp này, đồng chí cảm ơn những gợi mở của các đại biểu và mong muốn Tổng cục Du lịch, các Doanh nghiệp lữ hành, cơ quan báo chí Trung ương, địa phương thường xuyên quan tâm, góp ý để Bắc Giang xây dựng thành công sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với vùng cây ăn quả.

Du lịch Lục Ngạn có rất nhiều tiềm năng, tuy nhiên để phát triển rất cần sự quan tâm của UBND tỉnh Bắc Giang, mời gọi được các nhà đầu tư có uy tín đầu tư vào các khu, điểm du lịch của huyện đánh thức tiềm năng để du lịch Lục Ngạn không còn là “cô gái đẹp ngủ quên trong rừng”./
Thứ hai, 13 Tháng 05 Năm 2024

Bản đồ hành chính Bản đồ hành chính

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 6,093
Tổng số trong ngày: 3,095
Tổng số trong tuần: 5,216
Tổng số trong tháng: 64,876
Tổng số trong năm: 719,583
Tổng số truy cập: 7,134,769