LỤC NGẠN - ĐIỂM ĐẾN BỐN MÙA

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết
LỤC NGẠN - ĐIỂM ĐẾN BỐN MÙA
Lục Ngạn là huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang, cách thành phố Bắc Giang khoảng 40km; giáp các huyện Lục Nam, Sơn Động (Bắc Giang), huyện Hữu Lũng, Lộc Bình, Chi Lăng (Lạng Sơn).
 
 
Vùng đất Lục Ngạn giàu truyền thống lịch sử, văn hoá, là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc như: Kinh, Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chí, Cao Lan, Dao, Hoa. Nơi còn lưu giữ, bảo tồn nhiều di sản văn hoá phi vật thể như hát Sloong hao, hát Sli, hát Then, hát Lượn... đặc biệt, dân ca Sán Chí xã Kiên Lao, dân ca Cao Lan xã Đèo Gia, hát Then của dân tộc Tày Nùng được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; có 42 di tích được xếp hạng, tiêu biểu phải kể đến di tích quốc gia chùa Am Vãi và đền Hả. Nơi đây được nhiều người biết đến với các hoạt động văn hóa đặc sắc như Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Lục Ngạn diễn ra từ ngày 16 - 18 tháng Hai âm lịch, Hội hát Sloong hao và phiên chợ Xuân vùng cao Lục Ngạn từ ngày 11 - 12 tháng Giêng âm lịch hằng năm; nơi còn giữ được nét đẹp văn hóa trong ngày Quốc khánh 2/9 (Tết Độc lập), ngày chợ phiên vùng cao, người dân cùng nhau về trung tâm huyện, đi chợ, mặc trang phục và hát các làn điệu dân ca của dân tộc mình.
 
Cùng với những giá trị đặc sắc về văn hoá, Lục Ngạn là vùng đất có bốn mùa hoa trái, có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp như: hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần, hồ làng Thum, hồ Bầu Lầy, suối Cặm, suối Ngà, suối Đấy, suối Tà Cang và 03 làng nghề truyền thống là: Làng nghề mỳ Chũ, làng nghề nấu rượu men lá xã Kiên Thành, làng nghề cây cảnh thôn Bồng 1, xã Thanh Hải.  
 
Du lịch tại Lục Ngạn, quý khách không chỉ tham quan các vườn cây trái, thắng cảnh thiên nhiên đẹp, di tích lịch sử văn hóa cổ kính thiêng liêng, trải nghiệm văn hóa mà còn được thưởng thức các đặc sản, những món ăn bình dị, đặc trưng, đặc sản của Lục Ngạn như: vải, cam, bưởi, mỳ Chũ, xôi trứng kiến, các loại bánh... Dưới đây là một số điểm đến hấp dẫn mà du khách không nên bỏ lỡ khi đến với Lục Ngạn.

Vườn cây ăn quả

Lục Ngạn được biết đến là một trong những vùng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc, với diện tích trên 28.000 ha cây ăn quả các loại, trong đó có nhiều loại cây đặc sản như: Vải thiều, nhãn, cam ngọt, cam lòng vàng, bưởi ngọt, bưởi da xanh...
Vải thiều Lục Ngạn ngon nức tiếng trong và ngoài nước, được đăng ký bảo hộ thương hiệu tại 8 nước, xuất khẩu sang trên 30 nước, đặc biệt đã xuất khẩu sang những thị trường cao cấp như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc...
 
 
Trong chu kỳ một năm, Lục Ngạn có 4 mùa hoa trái để đón khách du lịch tham quan, trải nghiệm; từ tháng 01 đến tháng 3 có cam V2 và táo, hoa mận, hoa cam, bưởi và vải; tháng 4 ngắm hoa và trải nghiệm quay mật ong; tháng 5, 6, 7 có vải; tháng 7, 8 có nhãn; tháng 9 đến tháng 12 có cam, bưởi, táo, ổi, chuối...
 
 
Mùa thu hoạch, du khách trải nghiệm hái trái tại vườn. Ngoài ra, Nhân dân Lục Ngạn còn có kỹ thuật, kinh nghiệm trăm sóc trái cây ra quả quanh năm như ổi, thanh long, bưởi da xanh, mít, chuối... Chất lượng trái cây Lục Ngạn ngày càng cao, đậm vị, hình thức đẹp nên được người tiêu dùng ưa chuộng.

Hồ Cấm Sơn 

Hồ Cấm Sơn cách thành phố Bắc Giang khoảng 75km về phía Đông Bắc, cách trung tâm thị trấn Chũ của huyện Lục Ngạn khoảng hơn 30km. Hồ có diện tích mặt nước hơn 2.600 ha, chỗ rộng nhất là 7km, sâu nhất là 47m, với rất nhiều đảo, được bao bọc bởi những khu rừng, ngọn núi trùng điệp, tạo nên bức tranh thiên nhiên sơn thủy hữu tình. Chẳng thế mà hồ Cấm Sơn là nguồn cảm hứng cho nhạc sĩ Phó Đức Phương sáng tác bài hát “Hồ trên núi”.
 
Để đến hồ Cấm Sơn, du khách có thể xuất phát từ thị trấn Chũ, đi đến bến thuyền của xã Tân Sơn, Sơn Hải, Cấm Sơn, Hộ Đáp, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang hoặc từ thành phố Bắc Giang ngược theo Quốc lộ 1 qua huyện Hữu Lũng (tỉnh Lạng Sơn) có lối rẽ qua đèo Quao về xã Cấm Sơn của Lục Ngạn để đến hồ.
 
 
Đến hồ Cấm Sơn du khách có thể đi thuyền thăm hồ, cảm nhận sự hùng vĩ, hoang sơ của thiên nhiên, tạo hóa, tận hưởng bầu không khí trong lành; câu cá, chèo thuyền phao; ghé thăm các xóm làng, các vườn đồi hoa trái, nghe câu Sloong hao, Sli, Lượn... và thưởng thức các đặc sản của núi rừng vùng cao như cá hồ, tôm hồ, gà đồi, rau rừng, măng rừng, các loại bánh,... 

Chùa Am Vãi

Chùa Am Vãi là di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia thuộc xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn. Ngôi chùa tọa lạc trên ngọn núi Am Ni (núi Quan Âm) cao khoảng 500m so với mực nước biển. Theo nghiên cứu của các nhà khảo cổ, chùa Am Vãi là một trong những ngôi chùa nằm trong hệ thống chùa tháp được xây dựng vào thời Lý - Trần. Hiện nay, chùa còn hai ngôi tháp cổ. Tương truyền đây là nơi công chúa nhà Trần xuất gia tu hành.
 
Đến chùa Am Vãi, du khách sẽ được đi trên con đường uốn lượn theo các triền núi, hai bên đường là những đồi quả, rừng cây ngút tầm mắt; được ngắm nhìn toàn cảnh phố Chũ, những vườn cây ăn quả từ trên cao; được hít thở không khí trong lành, cảm nhận sự thư thái, bình yên nơi cửa Phật, nghe tương truyền về hang Tiền, hàng Gạo, bàn cờ Tiên, dấu chân Phật; thưởng thức nguồn nước trong mát, ngọt lịm từ giếng Tiên - Giếng nước trên núi quanh năm có mực nước cao hơn mặt đất. Chùa Am Vãi là điểm du lịch tâm linh, sinh thái hấp dẫn trong hành trình khám phá tuyến du lịch Tây Yên Tử và về với miền trái ngọt Lục Ngạn.
 
 

Hồ Khuôn Thần

Hồ Khuôn Thần thuộc xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn; cách thành phố Bắc Giang hơn 40km về hướng Đông Bắc, cách trung tâm thị trấn Chũ 10km. Hồ có diện tích khoảng 240 ha, với các đảo nhỏ nổi lên giữa làn nước trong xanh. Bao bọc quanh hồ là các rừng thông, những vườn đồi cây trái quanh năm. 
 
 
Đến Khuôn Thần, du khách có thể dạo chơi bằng thuyền để ngắm cảnh thiên nhiên đầy thơ mộng, xanh mát, hít thở không khí trong lành, thoáng đạt; dựng lều, trại tại đảo để câu cá, tổ chức các hoạt động tập thể. Không những thế, du khách còn có thể ghé thăm các vườn cây trái, thưởng thức đặc sản bốn mùa như vải, cam, bưởi, mật ong, các loại bánh...; giao lưu, trải nghiệm các hoạt động văn hóa với người dân địa phương.
 
 

Làng cổ Bắc Hoa

Bắc Hoa thuộc xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn, nơi đây còn giữ được nhiều ngôi nhà trình tưởng lợp ngói âm dương của người dân tộc Nùng. Đến đây, du khách sẽ được tham quan, chụp ảnh bên những ngôi nhà cổ, được nghe những làn điệu dân ca, tìm hiểu cách nhuộn vải, thưởng thức đặc sản của người dân vùng cao.
 
Về với Tân Sơn, du khách không chỉ thăm bản Bắc Hoa mà còn có thể thăm các vườn hoa mận, hoa đào vào mùa Xuân, tham gia “Chợ Tình” vào ngày 11, 12 tháng Giêng âm lịch hằng năm. Đồng thời thăm các xóm làng, trải nghiệm cùng người dân hoạt động sản xuất, chế biến các món ăn, tham gia chợ phiên và thăm hồ Cấm Sơn.
 

Các làng nghề

Trên địa bàn huyện Lục Ngạn hiện có 3 làng nghề truyền thống. Đến với làng nghề mỳ, du khách sẽ được theo dõi, tìm hiểu về toàn bộ quy trình sản xuất mỳ; những món ăn được chế biến từ mỳ; giá trị của mỳ đối với sức khỏe và những thị trường mà mỳ Chũ đang được tiêu thụ.
 
Làng nghề cây cảnh thôn Bồng 1, xã Thanh Hải là làng nghề sinh vật cảnh đầu tiên của tỉnh Bắc Giang được công nhận. Trong khung cảnh thanh bình, du khách có thể trải nghiệm bằng xe đạp quanh làng, vừa ngắm nhìn, chiêm ngưỡng những tác phẩm cây cảnh đẹp mắt, vừa thăm vườn cây ăn quả quanh năm.
 
Làng nấu rượu men lá xã Kiên Thành đã có từ lâu, nhiều hộ dân nấu rượu từ thế hệ này qua thế hệ khác. Quy trình nấu rượu khác biệt, cổ truyền, sử dụng chất liệu đảm bảo cùng men lá đã kết tinh thành rượu Kiên Thành thơm ngon, êm dịu.
 

Đền Hả

Đền Hả thuộc thôn Kép Hai B, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn nơi thờ Phò mã và 6 vị Công chúa Nhà Lý. Hiện nay, đền còn lưu giữ được nhiều cổ vật quý có giá trị lịch sử văn hoá như đồ thờ, đồ rước... đặc biệt còn giữ được 20 đạo sắc phong của các triều đại. Năm 1991 đền đã được xếp hạng di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc Gia. 
 
Hàng năm, nhân dân trong vùng mở hội từ ngày mồng 6 đến mồng 8 tháng Giêng nhằm ôn lại quá khứ hào hùng của cha ông ta và tinh thần đoàn kết đấu tranh của dân tộc; ngoài các nghi thức tế lễ, rước hội truyền thống và nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, trò chơi dân gian được tổ chức thu hút đông đảo quần chúng nhân dân và du khách thập phương về chảy hội.
 

Suối

          Núi rừng vùng cao

Huyện Lục Ngạn có suối, thác nước tuyệt đẹp tại các xã vùng cao như: suối Tà Cang, suối Đấy, xã Phong Minh; suối Cặm, suối Ngà, xã Sa Lý. Suối nằm bên đường tỉnh lộ 248 chạy thẳng vào các khu rừng, cách trung tâm huyện từ 30 - 40km.
 
Đến đây, du khách được hòa mình vào thiên nhiên, được đắm mình trong dòng nước trong mát; khám phá thảo nguyên, núi rừng vùng cao; ngắm các đàn ngựa, dê nhởn nhơ gặm cỏ bên đồi, ven suối.

 

 
 
 
Không những thế, du khách có thể ghé thăm các bản làng để tham gia trải nghiệm cùng người dân trong các hoạt động sản xuất, văn hóa và thêu trang phục của dân tộc Dao.
 

Điểm du lịch Làng văn hóa Đông Bắc

Điểm du lịch Làng văn hóa Đông Bắc tại thị trấn Chũ. Đến đây du khách sẽ được tìm hiểu về truyền thống, giá trị về lịch sử, văn hóa,... của các vùng, các dân tộc thông qua kiến trúc, hiện vật, cổ vật...
 

Điểm du lịch sinh thái Bầu Tiên

Điểm du lịch sinh thái Bầu Tiên tại thôn Đồng Giao, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn; cách thị trấn Chũ khoảng 7km. Đến đây, du khách có thể thăm các vườn cây trĩu quả, trải nghiệm các hoạt động trên hồ, thư giãn trên thảm cỏ xanh hay đạp xe, đi bộ, câu cá, ngủ lều trại....
 

Điểm du lịch sinh thái Hoa Quả Sơn

Điểm du lịch Hoa Quả Sơn thuộc thôn Xẻ Cũ, xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn; cách thị trấn Chũ khoảng 3,5km. Đây là mô hình du lịch sinh thái trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn, được quy hoạch trồng các loại cây ăn quả như: Bưởi da xanh, bười ngọt, bưởi đào đường, cam ngọt, lamg lòng vàng và nhiều loại cây ăn quả khác. Đến đây, du khách sẽ được trải nghiệm hoạt động chăm sóc, thu hoạch, ăn nghỉ tại vườn.
 
 
(Bấm vào địa điểm du lịch để Chỉ đường)
Nguyễn Năm - Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lục Ngạn
Thứ ba, 14 Tháng 05 Năm 2024

Bản đồ hành chính Bản đồ hành chính

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 7,370
Tổng số trong ngày: 14
Tổng số trong tuần: 6,192
Tổng số trong tháng: 65,852
Tổng số trong năm: 720,559
Tổng số truy cập: 7,135,745