Hội Nông dân Lục Ngạn đẩy mạnh chuyển đổi số, góp phần phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết
Hội Nông dân Lục Ngạn đẩy mạnh chuyển đổi số, góp phần phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới

Hòa cùng xu thế hiện nay, các cấp Hội Nông dân huyện Lục Ngạn đã vào cuộc cùng với các cấp, các ngành đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số; tích cực ứng dụng hiệu quả chuyển đổi số trong công tác, giúp hoạt động hội ngày càng hiệu quả. Đồng thời, tuyên truyền, vận động hội viên tiếp cận công nghệ số trong sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Với vai trò của mình, các cấp hội nông dân trong huyện đã tích cực lồng ghép nội dụng chuyển đổi số vào phong trào, công tác hội. Nhất là về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của tỉnh, huyện về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, từ đó thúc đẩy việc áp dụng công nghệ số trong các lĩnh vực hoạt động. Thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và mạng xã hội nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền đến hội viên, nông dân. Trang Fanpage của hội hoạt động hiệu quả, cập nhật các thông tin hoạt động của hội các cấp giúp hội viên, nông dân nắm được hoạt động và các chỉ đạo của hội cấp trên. Đồng thời, hội phối hợp cài đặt mã định danh; phối hợp với các Ngân hàng tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho hội viên thực hiện việc mua bán, thanh toán tiền gốc và tiền lãi các ngân hàng thông qua tài khoản, không sử dụng tiền mặt.
Xác định chuyển đổi số trong sản xuất góp phần tạo sản phẩm đạt chất lượng, Hội Nông dân huyện tập trung tuyên truyền, hỗ trợ hội viên, nông dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất. Để hỗ trợ hội viên, nông dân tiếp cận với kiến thức và nâng cao năng lực thực hành, sẵn sàng tham gia vào quá trình chuyển đổi số, Hội Nông dân huỵện đã phối hợp với các phòng, ban, ngành, đơn vị tổ chức tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số; hướng dẫn, hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất không chỉ ở những mô hình có quy mô lớn và ngay từ các vườn mẫu của hộ gia đình; đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu nông sản và đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn, các sàn giao dịch điện tử khác và hướng dẫn bán hàng trên các trang mạng xã hội. 
Việc ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào sản xuất, không chỉ mang lại hiệu quả cao còn giúp sản xuất nông sản theo hướng an toàn. Đơn cử như đặc sản vải thiều, đây là nông sản “khá khó tính” trong bảo quản, bởi thời gian từ khi thu hoạch tới tay người sử dụng càng nhanh thì chất lượng quả vải càng bảo đảm chất lượng. Trước đây người dân chỉ thu hoạch rồi đem ra chợ bán cho thương lái thu mua, nhưng với công nghệ thông tin nhiều gia đình, HTX, doanh nghiệp đã chủ động bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội, sàn TMĐT. Từ khi có đơn hàng, các chủ vườn đã chủ động thu hoạch, đóng gói và vận chuyển vải thiều nhanh chóng, kịp thời tới tay người tiêu dùng. 

Live stream- hình thức bán hàng phổ biến hiện nay.


Được tiếp cận việc bán nông sản vải thiều trên sàn TMĐT, anh Phan Văn Nết, Giám đốc HTX Sản xuất, thương mại và dịch vụ nông nghiệp Phì Điền (xã Phì Điền, Lục Ngạn) cho hay: “Mấy năm gần đây nhờ áp dụng công nghệ thông tin, việc bán hàng qua sàn TMĐT đã giúp HTX chúng tôi tiêu thụ sản phẩm được thuận lợi hơn”. Chỉ bằng một vài thao tác đơn giản trên máy tính hoặc điện thoại thông minh kết nối Internet là người mua có thể đặt hàng và HTX nhanh chóng xác nhận đơn hàng. Có thời điểm mỗi ngày HTX có hàng trăm đơn hàng gửi đi các tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong vụ vải thiều năm 2023, HTX đã tiêu thụ được gần 100 tấn vải thiều thông qua sàn giao dịch TMĐT Postmart.vn và Voso.vn.
Hay như HTX Nông sản sạch Bình Nguyên, từ năm 2021 đến nay DN tham gia sàn Postmart.vn của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam. Vải thiều của HTX khi thu hoạch được quảng bá rộng rãi, công khai giá bán trên sàn nên tiêu thụ thuận lợi hơn. Vụ vải năm 2023, HTX bán khoảng 60 tấn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP thông qua sàn. Giá bán 25 nghìn đồng/kg, cao hơn giá bán theo hình thức trực tiếp khoảng 5 nghìn đồng/kg…
Hiện, trên địa bàn huyện có hơn 40 sản phẩm OCOP, trong đó đa phần là của hội viên nông dân đạt từ 3 sao trở lên, những sản phẩm OCOP đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử, từ đó tạo được niềm tin người tiêu dùng bằng những sản phẩm đặc trưng của địa phương. 
Đến nay, nhiều sản phẩm được đưa lên sàn mua bán. Người nông dân có thể thông qua máy tính, điện thoại thông minh để truy cập vào cơ sở dữ liệu về sản xuất, nắm bắt thông tin thị trường, giá cả nguyên liệu và trao đổi kinh nghiệm để phục vụ cho hoạt động sản xuất. Ngoài ra, thông qua ứng dụng các tiện ích của mạng xã hội như Facebook, Zalo, người dân đã chủ động xây dựng các trang bán hàng, giới thiệu sản phẩm, kết nối tiêu thụ nông sản của hộ gia đình, HTX, tổ hợp tác, đưa sản phẩm nông nghiệp trở thành sản phẩm hàng hóa trao đổi rộng khắp trên không gian mạng.

Quang Huấn

Chủ nhật, 19 Tháng 05 Năm 2024

Bản đồ hành chính Bản đồ hành chính

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 22,938
Tổng số trong ngày: 3,150
Tổng số trong tuần: 3,149
Tổng số trong tháng: 100,984
Tổng số trong năm: 755,691
Tổng số truy cập: 7,170,877